Lỗi phạt đeo tai nghe khi đi xe máy là biện pháp xử lý vi phạm đối với hành vi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông. Theo đó, người đeo tai nghe khi lái xe máy có thể bị xử phạt hành chính và tước Giấy phép lái xe.
Nhiều người thường có thói quen sử dụng tai nghe khi lái xe. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ra nguy hiểm cho chủ xe và những người tham gia giao thông khác. Đồng thời, lỗi phạt đeo tai nghe khi đi xe máy sẽ bị xử lý hành chính và có thể kèm theo mức phạt bổ sung.
1. Đi xe máy đeo tai nghe có bị phạt không?
Đeo tai nghe đi xe máy có bị phạt không là thắc mắc chung của nhiều người tham gia giao thông. Thực tế, pháp luật Việt Nam đã có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Cụ thể, căn cứ theo điểm c khoản 3 của Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008: Người điều khiển xe mô tô hai bánh, ba bánh và xe gắn máy không được sử dụng ô, điện thoại di động và các loại thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi tham gia giao thông.
Trong đó, tai nghe cũng là một thiết bị âm thanh dù có dây hay không dây, có thể khiến người điều khiển mất tập trung và khó nắm bắt được các tín hiệu còi giao thông.
Chẳng hạn, trường hợp người lái xe máy muốn rẽ trái và không nghe được tín hiệu xin đường của phương tiện cần đi thẳng, va chạm không mong muốn sẽ xảy ra. Vì vậy, đeo tai nghe khi đi xe máy là một hành vi nguy hiểm và vi phạm pháp luật mà người tham gia giao thông cần tránh.
2. Lỗi đeo tai nghe khi đi xe máy phạt bao nhiêu tiền?
Hành vi sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông được pháp luật Việt Nam quy định xử phạt tại điểm h khoản 4 của Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi trong điểm g khoản 34 của Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Cụ thể, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại phương tiện tương tự sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu sử dụng ô (dù), điện thoại di động hoặc thiết bị âm thanh khi đang tham gia giao thông (trừ thiết bị trợ thính). Đặc biệt, theo điều luật này, người ngồi trên xe vi phạm cũng có thể bị xử phạt.
Do đó, người tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định về việc sử dụng thiết bị âm thanh khi lái xe máy để tránh bị xử phạt và hạn chế những rủi ro ngoài ý muốn. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam chưa có quy định xử phạt đối với hành vi đeo tai nghe khi lái ô tô và đi xe đạp.
3. Đeo tai nghe khi đi xe máy có bị tước giấy phép lái xe không?
Bên cạnh xử phạt hành chính, người đeo tai nghe khi lái xe máy còn có thể bị tước giấy phép lái xe. Căn cứ theo điểm b khoản 10 của Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung được quy định như sau: người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại phương tiện tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Như vậy, hành vi đeo tai nghe khi lái xe máy có thể vừa bị phạt hành chính và vừa bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
4. Thẩm quyền xử phạt lỗi đeo tai nghe khi đi xe máy
Ngoài các thắc mắc về việc “Đi xe máy đeo tai nghe có bị phạt không?”, “Lỗi đeo tai nghe phạt bao nhiêu?” thì thẩm quyền xử phạt thuộc về ai cũng là một vấn đề được nhiều người lái quan tâm.
Theo Điều 74 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các đối tượng có thẩm quyền xử phạt hành chính với hành vi đeo tai nghe khi lái xe máy được quy định như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi khu vực quản lý của mình;
- Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao;
- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến an toàn giao thông đường bộ.
5. Đeo tai nghe một bên khi đi xe máy có bị phạt không?
Để có thể vừa thư giãn vừa nghe được tín hiệu giao thông, một số người lái chọn cách đeo tai nghe một bên khi lái xe máy. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ sử dụng một bên tai nghe thì luật cấm ở trên vẫn có hiệu lực.
Nghĩa là, khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nghiêm cấm người điều khiển xe máy (và các loại phương tiện tương tự) sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông (trừ thiết bị trợ thính).
Cho nên, việc đeo tai nghe một bên cũng được xem là hành vi sử dụng thiết bị âm thanh và vi phạm pháp luật. Theo đó, đeo tai nghe một bên khi đi xe máy vẫn sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định đã nêu ở trên.
6. Đeo tai nghe khi đi xe máy nhưng không sử dụng có bị phạt không?
Thực tế, nếu người lái xe máy chỉ đeo tai nghe nhưng không sử dụng thì không tính là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người lái cần chứng minh tai nghe chỉ được đeo chứ không sử dụng. Nếu không, người điều khiển vẫn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về lỗi phạt đeo tai nghe khi đi xe máy. Do đó, dù sử dụng hay không, người dùng tốt nhất không nên đeo tai nghe khi tham gia giao thông.
Lỗi phạt đeo tai nghe khi đi xe máy không phải trường hợp bị xử phạt nghiêm trọng, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì vậy, người điều khiển nên tránh đeo tai nghe khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn và tránh bị xử phạt.
Khách hàng hãy đặt mua xe điện VinFast ngay hôm nay để sớm được trải nghiệm những tính năng thông minh và công nghệ an toàn hiện đại hàng đầu.
Để được hỗ trợ tư vấn và tìm hiểu thêm về các sản phẩm của VinFast, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
- Tổng đài tư vấn VinFast Đồng Văn: 0981 399 959.
- Email chăm sóc khách hàng: vinfastdongvan@gmail.com